[Lời Kinh trong lòng bàn tay 51]
“Niềm vui từ những thứ phù phiếm trong thế gian cuối cùng cũng chỉ nhỏ bé như một giọt mật ngọt trên đầu mũi dao sắt nhọn. Nhiều người đời lại nông nổi như một đứa bé, chỉ vì giọt mật nhỏ không đáng gì mà phải bị nạn đứt lưỡi vong thân”.
Viết lại từ một đoạn Kinh trong dòng thứ 25, khung thứ 1, trang 723,
bộ Kinh mang mã số 0784, tập 17.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 52]
Một hôm, Đức Phật Gautama và các vị đệ tử xuất gia cư trú trong rừng Jeta, nước Sravasti. Nhìn khu rừng đang ngả nghiêng trong gió lớn, Đức Phật nói:
“Hôm nay bão về, những cánh chim làm cho mình chiếc tổ không vững chắc sẽ bị gió lốc cuốn đi. Chiếc tổ mong manh không chống chọi nổi với gió to – những cánh chim đó nhất định phải chết. Gãy cánh, gãy chân và những chiếc lông vung vãi khắp nơi.
Những người xuất gia như cánh chim rừng giữa ngày bão về, nếu không có tâm vững chãi để làm nơi nương tựa cho mình, nhất định sẽ bị bão giông từ cuộc đời cuốn đi, rồi ‘chết’. Từ bỏ cấm giới, từ bỏ chí nguyện xuất gia, trở lại làm một con người bình thường.
Ba tấm y hoại sắc thường mặc mỗi ngày, chiếc bát thường ôm vào làng khất thực mỗi sớm, chiếc tọa cụ để tĩnh tọa dưới gốc cây trong những ngày độc cư, tất cả đều bỏ lại, một thứ một nơi, như những chiếc lông chim vung vãi khắp nơi sau bão.
Các con hãy cố lên”.
Viết lại từ đoạn Kinh từ dòng 18 đến 25, khung thứ 2, trang 634,
bộ Kinh mang mã số 0125, tập 2.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 53]
“Hãy suy nghĩ về những mong manh trong cuộc đời, nghĩ về cái chết, như một kẻ tử tù chờ ngày thi hành án tử.
Những suy nghĩ đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để có đủ dũng khí bứt mình khỏi những phù phiếm trong cuộc đời”.
Viết lại từ câu Kinh Pháp Cú 34.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 54]
“Người đời tàn phá cuộc sống mình bằng chính những hành động không tốt của họ. Những hành động đó sẽ quay trở lại trong một hình dạng khác, như trái cây khi chín sẽ tự rụng xuống”.
Dòng thứ 5, khung thứ 1, trang 628, bộ Kinh mang mã số 0026, tập 1.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 55]
“Hạt giống cải đắng, dù được trồng trên mảnh đất tốt hay xấu, dù được chăm sóc nhiều hay ít, đến khi nảy mầm, chiếc mầm đắng, khi lớn lên, thân đắng, lá đắng, đến những đóa hoa sặc sỡ nhưng trong lòng vẫn đắng.
Cũng như vậy, người đời khi đã chất chứa trong lòng suy nghĩ không thiện, đã mang trong lòng định kiến không tích cực, ánh mắt, lời nói, việc làm, cho đến những lo lắng, yêu thương, dù có hết lòng đi chăng nữa, người ta cũng như đang làm khổ nhau, dằn vặt nhau”.
Viết lại từ một đoạn Kinh, từ dòng 19, khung thứ 1, trang 583 đến dòng thứ 2,
khung thứ 2, trang 583, bộ Kinh mang mã số 0125, tập 2.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 56]
“Tất cả mọi thứ trên cuộc đời đều do rất nhiều điều kiện liên kết lại mà thành. Ai nhận ra được điều này sẽ đủ sức để buông bỏ những điều khó buông bỏ, đủ sức đối diện với những thứ to lớn trong cuộc đời”.
Viết lại từ câu Kinh Pháp Cú 279.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 57]
“Có hai thứ sẽ luôn khuấy động cả đời người: làm những điều tổn thương và chưa sống chân thật thiện lành; làm những điều tổn thương là nơi bắt đầu cho tất cả những oán hiềm phiền não.
Chưa sống chân thật thiện lành là vẫn còn chưa bắt đầu cho những niềm vui bền vững trọn vẹn”.
Viết lại từ một đoạn Kinh, từ dòng 10, khung thứ 1, trang 583 đến dòng thứ 18,
khung thứ 1, trang 583, bộ Kinh mang mã số 0125, tập 2.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 58]
“Này, đừng bao giờ xem thường một đốm lửa nhỏ”.
Một trong “Tứ bất khả khinh” (Bốn thứ không được xem thường).
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 59]
“Đem nắm muối bỏ vào cốc nước nhỏ, cốc nước mặn chát không uống được. Cũng đem nắm muối như vậy bỏ vào dòng sông Hằng, nước sông vẫn có thể uống được, không đổi thay”.
Viết lại từ một đoạn Kinh, từ dòng 22, khung thứ 1, trang 433 đến dòng thứ 7,
khung thứ 2, trang 433, bộ Kinh mang mã số 0026, tập 1.
[Lời Kinh trong lòng bàn tay 60]
“Đời người chia thành ba giai đoạn: Thanh niên – Trung niên – Lão niên. Nếu thực sự biết thương mình trong ba giai đoạn đó, nhất định phải biết thương mình ít nhất một lần”.
Viết lại từ câu Kinh Pháp Cú 157.

——–
Tác giả Vô Thường đã viết lại những câu Kinh trong Cuộc sống nhìn từ ô cửa Thiền từng chữ, từng câu, từng dòng như một lời nhắn nhủ, chia sẻ về lẽ vô thường… Được sự cho phép của tác giả, bằng giọng đọc không chuyên, đã ít nhiều mang dấu thời gian, Tuệ Vân ao ước sẽ được đọc lại những quyển kinh hay cuốn sách hay gửi đến những người hữu duyên.
Kính chúc quý đạo hữu thân tâm thường an.
Xin mời các bạn lắng lòng với LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY 51 – 60 tại đây: YOUTUBE – LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY 51 – 60