Các bạn thân mến, nếu có dịp về miền Tây thì chúng ta sẽ thấy các loại bún nước của người miền Tây đa phần đều có dùng một loại củ gia vị rất lạ, đó là củ ngải bún. Cây ngải bún là một cây gia vị tuyệt vời, làm tăng thêm nhiều hương vị đặc biệt trong một tô bún của người miền Tây. Và vừa rồi, trong một chuyến công tác về miền Tây, Tuệ Vân đã được các sư cô ở một ngôi chùa thân quen đãi một tô bún gọi là BÚN SẢ. Tên rất đơn giản chỉ là BÚN SẢ thôi nhưng khi ăn thì nhớ mãi không quên, và đây là bài Tuệ Vân học được, hôm nay chia sẻ với các bạn nha.
Đầu tiên chúng ta sẽ chuẩn bị một nồi nước lèo nấu từ các loại quả củ theo cách mà các bạn chọn. Đa phần chúng ta sẽ hầm nước dùng từ mướp hương, su su, cà rốt, củ cải trắng, củ sắn, xá bấu, nếu các bạn thích cho thêm bắp cải hay cải thảo thì tùy ý.
Đi về miền Tây các bạn ăn các món bún nước lèo hầu như đều có vị của củ ngải bún. Khi ngậm củ ngải bún trong miệng thì sẽ có vị hơi giống củ riềng, hơi giống củ nghệ, hơi có một tí xíu của gừng và lại có một tí xíu của mùi sả. Có người thích nướng sơ củ ngải bún để có mùi thơm nồng nhưng Tuệ Vân chỉ rửa sạch rồi đập dập. Trước đây, ở Sài Gòn chỉ có chợ Hồ Thị Kỷ hoặc các chợ lớn như chợ Tân Định, chợ Bến Thành, nhất là chợ thực phẩm ở An Đông thì đến ngay hàng bán nghệ, gừng, sả sẽ có bán củ ngải bún. Nhưng bây giờ ở các chợ hầu như đều có bán củ ngải bún, và nếu không tìm được thì các bạn cứ đến chợ Hồ Thị Kỷ.
Chúng ta sẽ cho củ ngải bún và sả đập dập vào túi lưới, với 2 lít nước Tuệ Vân sử dụng 3 cây sả và 50g củ ngải bún. Sau đó cho túi lưới vào nồi nước dùng, bật lửa lên rồi cho gia vị vào và mùi sả phải hơi nồng một chút xíu. Tiếp theo chúng ta cho 2 loại đậu hũ vào để cho đậu hũ chiên thấm gia vị và thơm, đậu hũ trắng sau khi nấu sẽ dai. Nếu các bạn đang ở cùng Tuệ Vân thì sẽ ngửi thấy một mùi thơm rất đặc trưng của củ ngải bún dù cho chúng ta cho sả nhiều hơn, tuy nhiên sau vài phút nồi nước dùng sôi lên thì sả bắt đầu ra tinh dầu và các bạn sẽ ngửi thấy mùi sả rất rõ.
Khi được mời ăn tô BÚN SẢ này thì Ni trưởng có nói với Tuệ Vân rằng đây là một món bún rất là thanh nhẹ và giải cảm do củ ngải bún và sả là chất giải cảm khá tốt. Cho nên khi cảm thấy cơ thể hơi khó chịu thì các bạn có thể nấu một nồi BÚN SẢ để ăn giải cảm nha.
Chúng ta sẽ chuẩn bị một tô bún và vớt đậu hũ ra tô, nếu các bạn thích ăn chả thì chúng ta cho chả, tuy nhiên Tuệ Vân thấy rằng chúng ta ăn đậu hũ thậm chí không cần đậu hũ chiên, chỉ có đậu hũ trắng cũng đã ngon lắm rồi. Tiếp theo chúng ta sẽ múc nước chan vào tô và cho một ít rau húng lủi và chanh, ớt lên trên. Khi ăn các bạn dọn kèm một đĩa rau gồm có rau muống chẻ, rau chuối bào, bẹ chuối, giá, và rau thơm gồm có dấp cá, húng cây, tía tô và húng lủi. Và đặc biệt các bạn phải có một ít nước cốt chanh hoặc tắc thì món BÚN SẢ này mới tuyệt vời.
BÚN SẢ nấu rất nhanh nếu chúng ta đã chuẩn bị một nồi nước dùng từ các loại quả củ, mùi thơm của sả, mùi là lạ nồng nàn của củ ngải bún, kết hợp với vị chua chua của chanh, cay cay của ớt và ăn kèm với các loại rau ghém tạo nên một tô bún rất đặc biệt.
Xin thân ái chào tạm biệt. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình lần sau và mọi người hãy chia sẻ kênh Vân Du Chay để lan tỏa đến nhiều người cùng hưởng ứng ăn chay nha.
Kính chúc quý vị thân tâm an lạc, gieo trồng được nhiều cội phúc lành.
Mời các bạn tham khảo thêm:
Vân Du Chay xin mời các bạn xem video clip món BÚN SẢ do Sư cô Tuệ Vân hướng dẫn tại đây: YOUTUBE – BÚN SẢ
Nguyên liệu & Gia vị làm món BÚN SẢ:
Ingredients
- 3-4 cây sả: đập dập
- 50g củ ngải bún: đập dập
- Nước lèo: mướp hương, su su, cà rốt, củ cải trắng, củ sắn, xá bấu
- Đậu hũ chiên
- Đậu hũ trắng
- Bún
- Rau: rau muống chẻ, rau chuối bào, bẹ chuối, giá
- Rau thơm: dấp cá, húng cây, tía tô, húng lủi
- Chanh/tắc
- Ớt: cắt lát
- Nước mắm chay
- Hạt nêm chay
- Muối
- Đường